Những nơi không thể bỏ qua khi du lịch Hà Nội

(Du lịch Hà Nội) Nếu có dịp tới Hà Nội, bạn muốn khám phá điều gì nhất? Đó có thể là ẩm thực, là những tuyến phố tấp nập, đông vui. Đó có thể là không khí mùa thu dịu mát và mùa đông lạnh cắt da cắt thịt. Đó cũng có thể là những con đường, tuyến phố với nét riêng độc đáo. Nhưng chắc chắn, bạn nhất định không được bỏ lỡ những di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở nơi đây, bởi đó chính là hồn cốt hàng ngàn năm văn hiến của mảnh đất này…

Đền Ngọc Sơn

Đền Ngọc Sơn là một ngôi đền thờ nằm trên đảo Ngọc của hồ Hoàn Kiếm. Đền hiện nay được xây dựng từ thế kỷ 19. Lúc đầu được gọi là chùa Ngọc Sơn, sau đổi gọi là đền Ngọc Sơn vì trong đền chỉ thờ thần Văn Xương Đế Quân là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo, vị anh hùng có công phá quân Nguyên thế kỷ 13.


Năm Tự Đức thứ mười tám (1865), nhà nho Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại đền. Đền mới sửa đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba, bắc một cầu từ bờ Đông đi vào gọi là cầu Thê Húc. Tên cầu Thê Húc nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời.


Tới Hà Nội, thả bước bên Hồ Gươm rồi vào Đền Ngọc Sơn thắp nén nhang, cầu khẩn thần linh phù hộ sức khỏe, bình an đã trở thành thói quen của nhiều người. Nơi đây cũng là điểm dừng chân quen thuộc của du khách thập phương mỗi lần đến thủ đô.

Tháp Rùa

Tháp Rùa là một ngọn tháp nhỏ nằm trên gò đảo giữa Hồ Gươm, lui về phía nam hồ. Tháp được xây dựng trên một gò đất rộng khoảng 350m2, theo hình vuông có 3 tầng, tầng dưới xây rộng hơn, rồi thu nhỏ dần lên tầng trên.

Tháp Rùa lung linh về đêm

Với sự giao thoa giữa hai lối kiến trúc là kiến trúc Pháp và kiến trúc bản địa tạo nên nét đẹp độc đáo, riêng biệt của Tháp Rùa. Điều quan trọng nhất là Tháp Rùa đã, đang và sẽ tồn tại như một biểu tượng tinh thần của người dân Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung.


Vẻ đẹp cổ kính và nét trầm mặc của quần thể tháp Rùa – đền Ngọc Sơn, Đài Nghiên, Tháp Bút đã đi vào câu ca xưa với bao cảm xúc của thi sĩ:

“Hồ Gươm soi bóng Tháp Rùa
Ánh đèn soi tỏ mái chùa Ngọc Sơn
Đài nghiên, Tháp Bút chưa mòn…”.

Văn Miếu Quốc Tử Giám

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long.


Nơi đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, hiện được đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: Hồ Văn, vườn Giám và Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám.

Điểm nổi bật tại di tích này chính là Khuê văn các (nghĩa là "gác vẻ đẹp của sao Khuê"), được xây dựng vào năm 1805. Gác Khuê Văn vốn là nơi xưa kia dùng để họp bình những bài văn hay của các sĩ tử đã thi trúng khoa thi hội.

Hiện nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước đồng thời cũng là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc và còn là nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng. Đặc biệt, đây còn là nơi các sĩ tử ngày nay đến "cầu may" trước mỗi kỳ thi.


Chùa Một Cột

Chùa Một Cột, còn có tên khác là Diên Hựu tự hoặc Liên Hoa, được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào mùa đông năm Kỷ Sửu 1049, là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo bậc nhất ở Việt Nam.


Chùa Một Cột là một trong những niềm tự hào lớn lao của người Hà Nội, được chọn in ở mặt sau đồng tiền kim loại 5.000 đồng của nước ta.


Ngày 4 tháng 5 năm 2006, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa là "Kỷ lục Việt Nam" và đề cử đến Tổ chức Kỷ lục châu Á. Ngày 10 tháng 10 năm 2012, tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục "Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất" cho chùa Một Cột.

Hiện nay, chùa Một Cột là một trong những điểm tham quan du lịch được rất nhiều du khách ghé thăm khi đặt chân đến Hà Nội.

Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội (hay còn gọi Kỳ đài Hà Nội) là một kết cấu dạng tháp được xây dựng cùng thời với thành Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn (bắt đầu năm 1805, hoàn thành năm 1812). Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế và một thân cột, được coi là một trong những biểu tượng của thành phố. Người xưa từng tự hào mà nói về nơi này:

"Kỳ đài năm thước vút trời cao
Thông đạt trong tâm có đường vào
Trong sáng muôn nơi dồn cả lại
Trung tâm thiên hạ đẹp biết bao!".


Ngày 10/10/1954, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng - cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội. Nơi đây được công nhận là di tích lịch sử năm 1989.

Hiện Cột cờ Hà Nội nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (trước đây là Bảo tàng Quân đội), trên đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình.

Hoàng thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ từ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn.

Hoàng Thành Thăng Long.

Ngày 1/8/2010, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới. Phạm vi di sản thế giới được công nhận là 20 ha (trên tổng số 140 ha của Hoàng thành) gồm khu khảo cổ ở số 18 đường Hoàng Diệu và khu vực được giới hạn bởi 4 tuyến đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng và Hoàng Diệu.


Ô Quan Chưởng

Ô Quan Chưởng hay còn gọi là ô Đông Hà, là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của tòa thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. 


Đây là một trong 21 cửa ô còn sót lại của thành Thăng Long cũ.

Ngày nay, Ô Quan Chưởng nằm ở đầu phố Hàng Chiếu, gần dưới chân cầu Chương Dương.


Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc hiện nằm trên đường Thanh Niên (quận Tây Hồ, Hà Nội), chùa có lịch sử 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội. Chùa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989.


Kiến trúc của chùa có sự kết hợp hài hòa giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã trên nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mang. 



Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch trong ngoài Việt Nam.

Thăng Long tứ trấn

Thăng Long tứ trấn là cái tên người dân Hà thành dùng để chỉ bốn ngôi đền thiêng trấn giữ các hướng Đông Tây Nam Bắc của thành Thăng Long, đó là: Đền Bạch Mã (trấn Đông); đền Voi Phục (trấn Tây); đền Kim Liên (trấn Nam) và đền Quán Thánh (trấn Bắc).


Đây là bốn ngôi đền tượng trưng cho bề dày lịch sử và đời sống tâm linh sâu sắc của người Hà Nội xưa. 


Cho tới tận ngày nay, bốn di tích này vẫn là điểm đến không thể thiếu của người Hà thành những ngày mồng một, ngày Rằm và dịp lễ, Tết.


Đền Bạch Mã (nằm trên phố Hàng Buồm) thờ thần Long Đỗ - thành hoàng Hà Nội, được xây dựng từ thế kỷ 9.


Đền Voi Phục (nằm trong Công viên Thủ Lệ) thờ Linh Lang - một hoàng tử thời nhà Lý, được xây dựng từ thế kỷ 11.



Đền Kim Liên, trước đây thuộc phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (nay là phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội), thờ Cao Sơn Đại Vương. Đền được xây dựng từ thế kỷ 17.




Đền Quán Thánh (nằm trên đường Thanh Niên, đoạn gần đường Thụy Khuê), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, xây dựng từ thế kỷ 10.

Thành Cổ Loa

Khu di tích Cổ Loa nằm trên địa phận 3 xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội), cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 17km về phía bắc.



Không giống với các di tích lịch sử khác, Cổ Loa là một quần thể có diện tích trải rộng trên một địa bàn rộng lớn, gần 500ha. Đây được coi là địa chỉ văn hóa đặc biệt của thủ đô và cả nước.


Cổ Loa ngày nay không chỉ là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm mà còn là một điểm đến lý tưởng cho các du khách thập phương muốn khám phá những giá trị văn hóa, những hình ảnh quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ thanh bình.

Dầu Viêm Xoang THẤT SƠN AN GIANG

Công ty cồn nước